Samsung – Ông hoàng smartphone sáng tạo với những sáng kiến độc đáo như Samsung Juke với màn hình xoay ngang, Samsung Galaxy Beam với máy chiếu được tích hợp vào bên trong điện thoại,… Và ứng dụng sạc thông qua năng lượng mặt trời cũng không thoát khỏi tay Samsung.
Samsung đã ra mắt lần lượt hai mẫu điện thoại chỉ sử dụng nguồn năng lượng mặt trời để sạc pin cho máy, một mẫu điện thoại cơ bản và một mẫu smartphone với nhiều tính năng thông dụng.
Samsung táo bạo với smartphone “hệ mặt trời”
Vào năm 2009, Samsung đã cho ra mắt mẫu điện thoại sạc pin từ năng lượng mặt trời đầu tiên – mẫu Samsung Guru E1107, với thiết kế như điện thoại feature phone phổ thông nhưng được “độ” thêm bộ phận thu năng lượng mặt trời.
Khi người dùng cho máy tiếp xúc với nguồn sáng mặt trời, máy sẽ được sạc điện để đủ dùng cho cuộc gọi từ 5 đến 10 phút, và để đổi được thời lượng cuộc gọi này sẽ cần thời gian sạc rơi vào khoảng 30 phút.
Mẫu máy này được ra mắt không phải để phục vụ cho số đông người dùng, ở thời điểm đó, hãng đã chú ý đến những thị trường ở các nước đang phát triển, thu nhập thấp và điện phí khá cao. Do đó việc ra mắt mẫu điện thoại chạy bằng năng lượng mặt trời là một biện pháp khả quan để người dùng có thể được sạc “miễn phí”.
Chưa dừng lại ở chiếc điện thoại Guru E1107 vốn chưa thành công, Samsung vào hai năm sau đó đã ra mắt chiếc điện thoại smartphone màn hình cảm ứng sạc bằng năng lượng mặt trời.
Khác với mục đích của chiếc Guru E1107 được dùng để tiếp cận các thị trường đang phát triển thì chiếc Samsung Blue Earth được dùng để nhấn mạnh yếu tố môi trường để làm điểm khác biệt của sản phẩm – chiếc smartphone xem được YouTube, có WiFi, 3G,… và không cần phải sạc điện.
Nhưng dù có “thông minh” thế nào đi chăng nữa, chiếc smartphone này vẫn mang điểm yếu mà không người dùng nào có thể chịu được – pin. Để có được 10 phút cuộc gọi, chiếc smartphone này sẽ phải “phơi nắng” một tiếng đồng hồ.
Xiaomi muốn dùng nguồn năng lượng mặt trời làm “lốp dự phòng”
Không chỉ Samsung, Xiaomi cũng đã từng có ý định biến năng lượng mặt trời thành nguồn điện thứ hai dành cho chiếc smartphone của hãng, Xiaomi đã lên kế hoạch cho một chiếc smartphone với phần cell năng lượng mặt trời được gắn ở phần mặt sau của máy để giúp sạc pin.
Thoạt nghe có vẻ giống với nước đi của Samsung trước đó nhưng Xiaomi có vẻ đã “tỉnh” hơn khi điện thoại chỉ sử dụng nguồn điện năng lượng mặt trời trong tình huống bí bách. Máy vẫn sẽ sạc điện bình thường thông qua cổng USB-C, nhưng khi cần sẽ sử dụng được với nguồn năng lượng mặt trời, nhưng vẫn chưa rõ thời gian sạc và dùng là bao lâu.
Năng lượng mặt trời chỉ nghe “ngầu” chứ không thực dụng
Trong thế giới smartphone, đã không có ít trường hợp công nghệ dùng để phô diễn, nghe cho oai và thu hút dư luận chứ tính thực dụng. Có những tính năng có cũng được, có cũng chẳng ai dùng đã từng được đưa lên các mẫu smartphone và tính năng sạc thông qua năng lượng mặt trời là một ví dụ điển hình.
Việc sạc điện thoại bằng năng lượng mặt trời thoạt nghe có vẻ hay và ngầu nhưng thực chất lại không như thế.
Smartphone đang phát triển với sạc nhanh, sạc bằng mặt trời quá chậm
Đối với smartphone chạy bằng năng lượng mặt trời, dù có tân tiến như thế nào thì chắc chắn việc sạc đầy cho máy sẽ lâu hơn nhiều so với thời gian sử dụng. Và đây chỉ là những gì hãng công bố, khi sử dụng thực tế còn chưa biết trụ được đến bao lâu, và sử dụng thực tế hiện nay không chỉ bao gồm gọi mà còn là làm việc – giải trí, chắc trụ được 1 phút.
Hay tân tiến hơn với Kyocera- hãng đến từ Nhật với những chiếc smartphone nồi đồng cối đá cũng đã hợp tác với Sunpartner để phát triển mẫu máy sạc mặt trời được 3 phút – gọi được một phút, một mức giới hạn của công nghệ sạc thông qua năng lượng mặt trời hiện nay.
Sạc năng lượng mặt trời còn được áp dụng lên smartphone với mục đích giảm thiểu tiền điện khi sạc điện thoại. Tuy nhiên, mục đích đó chỉ phù hợp đối với số rất ít quốc gia kém phát triển, bởi vốn dĩ các quốc gia phổ biến smartphone hiện nay đều có thể tiếp xúc với nguồn sạc máy rất dễ dàng với sự kết hợp giữa sạc không dây và có dây việc làm đầy pin smartphone đã rất dễ dàng.
Có một trường hợp hữu dụng nhất khi sử dụng smartphone sạc bằng năng lượng mặt trời có lẽ là dành cho các chuyến đi trekking ở có nơi vùng sâu, thiên nhiên không có nguồn điện, chỉ có nắng.
Pin mặt trời chưa chắc bảo vệ môi trường
Còn một tác dụng khác của việc áp dụng pin mặt trời vào trong điện thoại là dùng để bảo vệ môi trường bằng cách giảm thiểu tác nhân sử dụng điện, từ đó giảm bước chân carbon của thiết bị thải ra môi trường.
Tưởng chừng như đó là một ý hay cho đến khi chúng ta biết rằng việc sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời được đánh giá có hại đến môi trường bởi nguyên liệu chính làm nên chúng là axit sunphua và khí phosphine vốn gây hại cho cơ thể còn người.
Chưa kể các tấm pin năng lượng mặt trời đằng sau mặt lưng của máy dù có tuổi thọ lên đến 25 năm, nhưng điện thoại thì chưa chắc được như vậy.
Đặc biệt trong quá trình chuyển hoá năng lượng để làm đầy pin còn làm cho nhiệt độ trong máy cao hơn hẳn, rất nguy hiểm. Ngày qua ngày sạc bằng ánh sáng mặt trời, điện thoại sẽ càng sớm “toang” hơn. Từ đó lại có thêm rác thải không đáng có thải ra môi trường. Và rác thải đến từ smartphone có rất nhiều thành phần kim loại nặng và các chất hoá học.
Tạm kết
Dù tính đường nào đi chăng nữa, smartphone với sạc năng lượng mặt trời vẫn là những món công nghệ không dành cho nhau.
Chúng ta có thể trông chờ vào sự áp dụng rộng rãi của công nghệ sạc năng lượng mặt trời vào những món đồ công nghệ khác hợp lý hơn như smartwatch năng lượng mặt trời. Những món đồ nhỏ như thiết bị đeo có thể hợp với ánh sáng mặt trời hơn là smartphone – thứ chỉ nên được sạc từ nguồn điện.