Không gian sách

Quy tắc 10.000 giờ: Đừng xem thứ gì đó là tuyệt đối!

Quy tắc 10.000 giờ, bạn đã nghe tên quy tắc này bao giờ chưa? Nó được giới thiệu bởi nhà báo Malcolm Gladwell trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng xuất bản 2008.

 

Quy tắc 10.000 giờ, bạn đã nghe tên quy tắc này bao giờ chưa? Nó được giới thiệu bởi nhà báo Malcolm Gladwell trong cuốn sách Những kẻ xuất chúng xuất bản 2008.

 

Malcolm đã viết “10.000 giờ là con số kỳ diệu của sự vĩ đại” – nguyên tắc cho rằng 10.000 giờ “luyện tập có chủ đích” là cần thiết để trở thành bậc thầy trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, ông không hề chỉ rõ thế nào là luyện tập có chủ đích, và theo đó quy tắc đã bị hiểu sai rất nhiều. Hệ quả là tác giả cuốn sách – ông Gladwell nhận vô số lời chỉ trích.

 

Bài viết này không để minh oan cho Gladwell, nó cho bạn biết làm thế nào thông điệp của ông dần méo mó qua những kẻ có lẽ còn chưa đọc sách của ông bao giờ!

 

10.000 giờ – con số kỳ diệu của thành công

 

Để minh họa cho Quy tắc 10.000 giờ, Gladwell đã đưa ra nhiều ví dụ, trong đó có một nghiên cứu tại Học viện Âm nhạc danh giá của Berlin, như sau:

 

1. Các nhà tâm lý học phân những người chơi violin trong trường ra thành ba nhóm.

 

- Nhóm 1: Những sinh viên có tiềm năng trở thành nghệ sĩ solo đẳng cấp thế giới;

- Nhóm 2: Các sinh viên ở mức “tốt”;

- Nhóm 3: Các sinh viên có vẻ sẽ không bao giờ chơi nhạc chuyên nghiệp và những người có ý định trở thành giáo viên âm nhạc trong hệ thống trường công.

 

Cả ba nhóm đều bắt đầu chơi ở độ khoảng 5 tuổi. Trong vài năm đầu khối lượng luyện tập là tương đương nhau. Sự khác biệt thực sự xuất hiện vào năm 8 tuổi. Những học sinh thuộc nhóm 1 bắt đầu luyện tập nhiều hơn những nhóm khác. Đến khi bước vào tuổi hai mươi thì họ đã luyện tập có chủ đích miệt mài 10.000 giờ, trong khi nhóm 2 chỉ có tổng cộng 8.000 giờ và nhóm 3 chỉ có hơn 4.000 giờ.

 

Kết luận được đưa ra: 10.000 giờ là con số kỳ diệu của thành công – mức thời gian cần thiết để đạt đến sự tinh thông thực sự.

 

2. Trong sách, Gladwell cũng viết:

 

“Nghiên cứu đã kết luận rằng một nghệ sĩ âm nhạc nào đó có đủ năng lực để bước vào một trường âm nhạc đỉnh cao, thì thứ để phân biệt một nghệ sĩ trình diễn với những người khác chính là họ làm việc chăm chỉ đến đâu”.

 

Tuy nhiên, Anders Ericsson, giáo sư tâm lý học tại Đại học Florida lại không nghĩ nghĩ vậy.

 

Theo ông, Gladwell đã bỏ quên một biến số quan trọng không kém trong nghiên cứu của Ericsson: trình độ của giáo viên.

 

3. Ericsson đồng ý luyện tập là quan trọng, và thực sự ông đã ngạc nhiên với kết quả của nghiên cứu trên về sự cách biệt giữa các sinh viên nhóm 1 và hai nhóm còn lại. Tuy nhiên nghiên cứu cũng gợi ý rằng ai đó có thể bỏ ra hàng nghìn giờ tập luyện và vẫn không đạt tới đẳng cấp cao. Họ có thể bị bỏ xa bởi một người tập luyện ít hơn. Và “ai đó” mà Ericsson muốn nói tới ở đây là các giáo viên.

 

Thứ mà Gladwell đã vô tình bỏ qua là vai trò của ‘luyện tập có chủ đích’, mà trong nghiên cứu của Ericsson nhấn mạnh là luyện tập dưới sự dẫn dắt của một người hướng dẫn. Những sinh viên may mắn đó sẽ trở nên vượt trội hơn so với phần còn lại, bất chấp luyện tập ít hơn.

 

Gladwell đã đáp trả thế nào?

 

1. Gladwell đã phản hồi rằng sự diễn giải hào nhoáng của quy tắc 10.000 giờ – rằng luyện tập 10.000 giờ chắc chắn sẽ thành công – là một sự hiểu lầm.

 

 "Có rất nhiều điều nhầm lẫn về quy tắc 10.000 giờ mà tôi đã nói đến trong cuốn Những kẻ xuất chúng. Nó không áp dụng cho thể thao và việc rèn luyện không phải là điều kiện đủ để thành công. Cái tôi muốn truyền tải là khả năng tự nhiên đòi hỏi một sự đầu tư lớn về thời gian để nó được thể hiện ra. Thật không may, những ý tưởng phức tạp đôi lúc lại bị đơn giản hóa trong quá trình diễn đạt lại.

 

2. Trong bài đăng Complexity And The 10.000 Hours Rule đăng tải trên The New Yorker, Gladwell cũng lý giải:

 

Không ai đạt tới độ tinh thông trong một lĩnh vực mà thiếu đi tài năng thiên bẩm. Tôi đã làm rõ điều này trong cuốn sách, rằng thành công là tài năng cộng với sự chuẩn bị. Các nhà tâm lý học càng xem xét kỹ lưỡng hơn sự nghiệp của các nhân tài bao nhiêu, thì vai trò của tài năng bẩm sinh càng nhỏ bé hơn và vai trò của sự chuẩn bị lại to lớn hơn bấy nhiêu.”

 

Các cách hiểu sai phổ biến về Quy tắc 10.000 giờ

 

1. 10.000 giờ là con số của sự vĩ đại, bất chấp năng khiếu tự nhiên của một cá nhân.

2. Chỉ cần tập luyện đủ nhiều, ai cũng có thể đạt tới trình độ tinh thông của một lĩnh vực. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian.

3. Mốc 10.000 giờ là “điểm bùng phát”, tức phải vượt qua nó người ta mới thực sự đạt tới trình độ cao của lĩnh vực đang theo đuổi.

 

Cách hiểu đúng về Quy tắc 10.000 giờ

 

1. Từ tốt tới vĩ đại cách nhau hai từ “luyện tập”. Nói cách khác, trong một nhóm những kẻ xuất chúng, người vượt trội hơn cả sẽ là người làm việc chăm chỉ hơn. Tuy vậy, độ hiệu quả trong tập luyện của các cá nhân khác nhau là khác nhau.

 

Đó là bản chất của ý tưởng về Quy tắc 10.000 giờ. Các nghiên cứu về Bill Gates, The Beatles của Gladwell chỉ giúp chỉ ra một điều: họ – những kẻ xuất chúng tập luyện nhiều hơn mặt bằng chung rất nhiều. Bởi vậy, 10.000 giờ chỉ nên được xem như một con số tương đối.

 

2. Thành công = Tài năng + Sự chuẩn bị (+ May mắn). Càng lên tới trình độ cao hơn, mức ảnh hưởng của tài năng càng ít, thay vào đó tầm quan trọng của sự chuẩn bị là yếu tố quyết định. Tài năng có thể khiến bạn nổi bật, nhưng tập luyện mới đưa bạn tới đỉnh cao.

 

Dù diễn giải chi tiết tới thế, công thức gốc cho thành công của Gladwell nêu ra trong cuốn sách là gì? “Thành công = Tài năng + Sự chuẩn bị”, rõ ràng ông đã bỏ qua hàng loạt các biến số quan trọng nhất, trong đó có yếu tố may mắn. Ông đã diễn giải không nhất quán, đó là lý do tại sao tôi thêm “May mắn” vào công thức thành công của Gladwell.

 

3. Quy tắc 10.000 giờ không thể áp dụng với mọi lĩnh vực. Trong một nghiên cứu mới của Đại học Princeton phân tích tổng hợp 88 nghiên cứu về luyện tập có chủ đích, người ta phát hiện ra việc luyện tập chỉ tạo ra 12% sự khác biệt khi thực hành trong các lĩnh vực khác nhau. Cụ thể như sau:

 

- Trong các trò chơi, luyện tập tạo nên 26% sự khác biệt;

- Trong âm nhạc, khác biệt 21%;

- Trong thể thao, khác biệt 18%;

- Trong giáo dục, khác biệt 4%;

- Trong chuyên môn, chỉ 1% khác biệt.

 

Lời giải thích hợp lý nhất cho sự phụ thuộc vào lĩnh vực có lẽ được tìm trong cuốn sách có tên gọi Khoảnh khắc bừng tỉnh của tác giả Frans Johansson. Trong đó, Johansson lập luận rằng luyện tập có chủ đích chỉ là một yếu tố phỏng đoán sự thành công trong các lĩnh vực mà có kết cấu siêu ổn định.

 

Nhưng trong các lĩnh vực kết cấu ít ổn định, chẳng hạn như kinh doanh và nhạc rock and roll, không có quy tắc nào cả. Richard Branson đã bắt đầu kinh doanh đĩa nhạc nhưng nhanh chóng phát triển sang các ngành ngoài: Tập đoàn Virgin Group có 400 công ty và đưa con người vào vũ trụ. Hay một ban nhạc như Sex Pistols, đã nhanh chóng thành công trên thế giới dù thành viên Sid Vicious thậm chí gần như không thể chơi bass. Vì thế, việc trở thành bậc thầy không chỉ gói gọn trong việc luyện tập.

 

Lỗi tại ai?

 

Cuối cùng, Quy tắc 10.000 giờ chỉ nên được nhìn nhận như một góc nhìn khác về thành công, giống cách mà Gladwell đã nêu rõ trong tựa đề cuốn sách của mình.

 

Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, Gladwell hay độc giả? Có lẽ nghiên cứu thành công không nên được xây dựng như những công thức nêu trên, và ta chỉ nên xem Quy tắc 10.000 giờ là một phát hiện mới mẻ về thành công – chứ không phải công nhận nó tuyệt đối.

 

0 0
Không gian sách

Bài viết nổi bật