Với sự phát triển vượt bậc của internet như hiện nay thì bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin về ngành lập trình cùng với mức lương hấp dẫn, nhu cầu tuyển dụng, tài nguyên quý giá và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có những suy nghĩ sai lầm, lệch lạc về ngành này. Sau đây, hãy cùng mình tìm hiểu những sự thật ít ai nói cho bạn về ngành lập trình nhé.
1. Muốn làm lập trình phải có bằng đại học?
Do tính chất kỹ thuật của công việc, nhiều người cho rằng bắt buộc phải có bằng đại học liên quan đến công nghệ thông tin thì mới có cơ hội trở thành lập trình viên và phát triển phần mềm. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy. Trên thực tế, có những người làm lập trình chuyên nghiệp nhưng không học chính quy.
Bất kể bạn đã có bằng cấp trong lĩnh vực nào, bạn vẫn có thể tham gia vào ngành lập trình và phát triển phần mềm nếu thực sự đam mê và yêu thích. Hiện nay có rất nhiều khóa học viết code online hoặc trực tiếp với chất lượng cao và có người hướng dẫn bài bản, tạo cơ hội cho bất kỳ ai muốn trở thành lập trình viên.
2. Phải rất giỏi toán mới làm lập trình được?
Bạn thường xuyên phải toát mồ hôi với các bài toán giải tích hay hình học ở trường? Đừng lo vì điều đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến kỹ năng lập trình của bạn sau này đâu. Nhưng tại sao quan niệm “lập trình viên phải giỏi toán” lại cực kỳ phổ biến như vậy?
Sự thật là bạn không cần quá giỏi toán để trở thành nhà phát triển phần mềm, nhưng hai việc này đều tuân theo các nguyên tắc tương tự nhau. Mặc dù công việc lập trình không dùng đến các công thức toán học hay thực hiện phép đo nhưng sẽ rất hữu ích nếu bạn có tư duy logic để viết code hiệu quả.
3. Lập trình là công việc phức tạp và chỉ dành cho những bộ óc thiên tài?
Đây là một trong những quan niệm được lan truyền phổ biến nhất trong lĩnh vực này. Những người mới vào nghề thường xem các đoạn code dài và phức tạp được viết bởi các nhà phát triển hàng đầu và kết luận rằng công việc lập trình quá khó.
Tuy nhiên, trên thực tế, lập trình không phải là con đường dễ dàng nhất trong lĩnh vực công nghệ nói chung, nhưng nó cũng không khó như chế tạo tên lửa. Nếu bạn có khả năng phân tích và suy luận logic vững chắc, sẵn sàng bắt tay vào công việc và chăm chỉ cố gắng thì chắc chắn bạn có thể trở thành lập trình viên giỏi.
4. Phải học nhiều tháng mới có thể thực hành lập trình hiệu quả?
Quan niệm rằng bạn phải học và nghiên cứu rất lâu mới có đủ khả năng thực hành lập trình là không đúng. Trên thực tế, bạn có thể viết những dòng code cơ bản ngay sau buổi học đầu tiên.
Việc chờ đợi đến khi học nhiều mới bắt đầu viết code và thực hành lập trình sẽ cản trở quá trình học tập của bạn. Có rất nhiều thứ để học trong ngành này, và việc nhồi nhét lý thuyết mà không ứng dụng thực tế sẽ chẳng có ích gì. Thay vào đó, hãy thực hành ngay bất cứ điều gì mà bạn vừa học được, dần dần bạn sẽ thành thạo các kỹ năng lập trình từ lúc nào không hay.
5. Lập trình là công việc nhàm chán và tốn nhiều thời gian?
Nếu bạn cảm thấy thoải mái với lịch làm việc chung của mọi người thì công việc lập trình cũng không quá khó khăn về thời gian. Lĩnh vực công nghệ nổi tiếng về khả năng linh hoạt, tức là bạn có thể thương lượng về số giờ làm việc của mình ở hầu hết các công ty, miễn là đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ.
Lập trình có nhàm chán không? Điều đó tùy thuộc vào sở thích và ưu tiên của bạn. Không ai có thể nhận xét thay cho bạn, mà chính bạn hãy khám phá mọi khía cạnh của công việc này để quyết định xem nó có phù hợp với mình hay không.
6. Bằng đại học không cần thiết cho công việc lập trình?
Ở phần trên đã nhấn mạnh rằng bằng cấp không phải là yêu cầu bắt buộc để làm lập trình, nhưng mặt khác, nếu bạn đã có bằng cấp hoặc đang trong quá trình học lấy bằng thì đừng coi đó là sự lãng phí.
Bằng cấp trong lĩnh vực tin học và khoa học máy tính sẽ giúp bạn có tiềm năng phát triển và thăng tiến trong công việc. Ngoài ra, những kiến thức liên quan đến công nghệ thông tin, toán học và kỹ thuật đều giúp bạn rèn luyện khả năng phân tích và lập luận logic, đó là những yếu tố rất cần thiết để trở thành lập trình viên chuyên nghiệp. Tất nhiên, bằng cấp cũng giúp cho lý lịch của bạn đẹp hơn và có lợi thế hơn khi tìm việc so với những ứng viên không có bằng cấp.
Bên trên là những sai lầm mà mọi người vẫn thường nghĩ về ngành lập trình. Hãy luôn trang bị cho mình những thông tin cần thiết, bổ ích về ngành nghề theo học trong tương lai để các bạn có thể đưa ra lựa chọn hoàn hảo nhất nhé!