Khởi nghiệp: Hãy biết cách mượn thế tạo thế
Công ty khởi nghiệp có thể nhận hỗ trợ công nghệ, mạng lưới kết nối toàn cầu, đối tác uy tín khi đồng hành cùng “người khổng lồ” - các tập đoàn quốc tế, hay việc Startup đang mượn thế để tạo thế.
Sử dụng chiến lược "đứng trên vai người khổng lồ" hay “mượn thế tạo thế” để phát triển được nhiều doanh nhân Việt lựa chọn. Đây là nước cờ khôn ngoan dễ dẫn đến lối thành công nhất. Thiên tài Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, với ý nghĩa “đứng trên vai người khổng lồ” hay “mượn thế tạo thế” là biết học hỏi và tận dụng những thành tựu đã có để vươn lên. Thuật ngữ này còn được giới doanh nhân Việt truyền tai nhau khi biết hợp tác với các tập đoàn lớn, quy mô toàn cầu để có bước đệm phát triển nhanh và vững chắc.
Start-up cần biết khai thác "chất xám" của các nguồn lực xung quanh
Cô Phạm Thị Quyên – Chuyên gia về lĩnh vực kế toán – kiểm toán và xây dựng chiến lược nhìn nhận, để có thể phát tiển, bên cạnh việc học hỏi, kế thừa kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các start-up cần phải biết khai thác "chất xám" của các nguồn lực xung quanh, chứ không chỉ đơn thuần là đồng vốn của họ.
Theo cô Quyên, các start-up cần bớt bay bổng, mà phải cụ thể hóa hành động, phải có tư duy vận hành bài bản. Những start-up có yếu tố "ngoại" như học ở nước ngoài về, hay từng làm việc cho các công ty nước ngoài, hoặc trong nhóm có người nước ngoài, thì công tác quản trị tốt hơn so với các start-up thông thường. Trong công tác quản trị, start-up cần chú ý rằng, không thể một mình làm tất cả. Giữa mục tiêu chiến lược, quy mô công ty và quản trị điều hành phải đồng bộ, phù hợp với nhau.
Trong mỗi câu chuyện khởi nghiệp, mỗi CEO có một cách đi riêng, lối làm riêng, nhưng để thành công và dẫn đầu trong lĩnh vực của mình, họ có một điểm chung là biết tìm đến kẻ mạnh để học hỏi.
Start-up “mượn thế” xây dựng hình ảnh
“Mượn thế tạo thế” được xem như là tận dụng những thành công có sẵn của người khác để dành lấy những thành tựu của riêng mình. Đây là một chiến lược phổ biến trong marketing cũng như kinh doanh. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể áp dụng nguyên tắc này thành công. Giữa Starbucks và Trung Nguyên, đẳng cấp chênh lệch thật sự quá rõ ràng. Starbucks là thương hiệu thế giới đã được khẳng định, trong khi đó Trung Nguyên là thương hiệu của một quốc gia. Việc đem hai thương hiệu này ra so sánh được ví như đem người khổng lồ so sánh với người tí hon. Chính vì Starbucks là người khổng lồ nên Trung Nguyên mới không ngần ngại “bám” vào bằng những phát ngôn, nhận xét về sản phẩm và cách làm thương hiệu. Nhận xét của ông Đặng Lê Nguyên Vũ (ông chủ của Trung Nguyên) là không sai, nhưng việc đem so sánh thương hiệu quốc tế và thương hiệu quốc gia khiến thương hiệu của ông Vũ nâng lên một tầm cao mới.
“Hãy luôn nghĩ thật lớn và làm thật xuất sắc những việc nhỏ”, cô Quyên nhấn mạnh. Bởi theo cô, trên thế giới, có nhiều tập đoàn giá trị hàng tỷ USD khởi nghiệp từ việc nhỏ. Ðơn cử, có doanh nghiệp khởi nghiệp từ những cửa hàng bán sợi kim chỉ, nay đã trở thành tập đoàn tỷ USD, bởi họ có tư duy lớn, tư duy là tập đoàn kỳ lân từ khi quy mô còn nhỏ.
Trong ‘cơ’ cũng đầy rẫy ‘nguy’
Cú sốc Covid-19 đã và đang tác động xấu đến các startup cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để hồi phục và theo kịp đà tăng trưởng, ngoài vai trò của nhà nước cũng như các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp nên tìm đến sự đồng hành của các "ông lớn". Đây cũng là giải pháp để doanh nghiệp tăng trưởng trở lại. "Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp khi “mượn thế tạo thế” là để chúng ta có cơ hội biến thành “người khổng lồ” khác. Thế nên, nếu chúng ta quá dựa dẫm vào họ là không được.
“Nguy cơ” thứ hai: ảo tưởng về sức mạnh và khả năng. Bởi khi đạt được một số thành công nhất định nhờ dùng những tài nguyên có sẵn của đối tác, vài doanh nghiệp lập tức tung hô bản thân, quên mất mình đang mượn thế từ các nguồn lực xung quanh. Những doanh nghiệp như thế sẽ chẳng là gì, nếu họ bị “người khổng lồ” bỏ xuống dưới đất. Một khi chúng ta ảo tưởng về sức mạnh, sẽ làm giảm khả năng học hỏi. Khi sử dụng quá đà những tiện ích - công cụ “người khổng lồ” đã trải thảm, chủ doanh nghiệp có thể mất dần khả năng học hỏi từ người xung quanh; mất khả năng tư duy – sáng tạo, đi vào lối mòn của người đi trước. Hậu quả: doanh nghiệp quá lệ thuộc vào người khác và sợ cái mới.
Phát triển doanh nghiệp như cuộc chạy tiếp sức vượt rào, phải có nguồn lực hậu thuẫn chúng ta. Có doanh nghiệp 10 km đầu luôn dẫn đầu và bỏ xa người khác, nhưng những km sau thì chùng lại và không về đích đầu tiên. Việc làm thế nào để lượng sức nhằm phát triển bền vững vô cùng quan trọng.
Người dùng luôn muốn cách tiếp cận mới, sáng tạo hơn, thông minh hơn, thú vị hơn với rất nhiều điểm chạm mới hình thành như TikTok, Instagram Real, Short video...đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được một hệ thống kênh dẫn traffic để có thể xuất hiện trên mọi điểm chạm. Ngoài ra, DN cũng cần có một hệ thống convert bài bản gồm website, app… để chuyển đổi hiệu quả. Thêm một thách thức nữa là lượng người dùng mới trong giai đoạn Covid-19 sụt giảm đáng kể, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải giữ thật chắc người dùng cũ bằng cách có hệ thống lưu trữ dữ liệu khách hàng.
“Muốn có một start up kỳ lân, thì trước tiên phải có trứng kỳ lân, phải thực hiện xuất sắc từ việc nhỏ nhất mới có thể thành công sau này. Thông điệp của tôi là thực thi xuất sắc từng việc mỗi ngày. Phải có tinh thần học hỏi mỗi ngày. Học từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp ở Việt Nam, học từ sách vở, bạn bè. Học từ chuyên gia thực chiến dày dạn kinh nghiệm và có đa chiều góc nhìn quản trị. Tinh thần học hỏi sẽ quyết định bạn là ai sau 10-20 năm và phụ thuộc cách hoàn thiện bản thân mình ngày hôm nay”.